facebook

CREATION IS BOURDARLESS

Đăng ký bảo hộ thương hiệu - Nhãn hiệu
Bản quyền tác giả - Sáng chế - Kiểu dáng - Logo
Tư vấn Quản trị tài sản trí tuệ - Hotline : 0906 316 450

brand-register
Chuyên mục
Tin tức

Từ “đầu cơ tên miền” đến… “đầu cơ nhãn hiệu”

(TBKTSG) – Cách đây khoảng 10-20 năm, khi Internet xuất hiện và sau đó phát triển rất nhanh tại Việt Nam, có một hiện tượng kinh doanh rộ lên khá mạnh, đó là hoạt động “đầu cơ tên miền”. Người ta đăng ký một tên miền với giá chỉ chừng vài trăm ngàn đồng rồi rao bán lại với giá vài trăm triệu đồng, thậm chí lên tới hàng tỉ đồng.

“Đầu cơ tên miền” dần tắt…

Nếu mở Google và tìm kiếm cụm từ “mua bán tên miền” hay “đầu cơ tên miền”, sẽ gặp rất nhiều bài báo nói về hiện tượng này từ năm 2005, 2006 đến nay. Trong đó có cả những bài báo đánh giá hành vi “đầu cơ” tên miền dưới góc độ pháp lý và đề xuất quy định pháp luật điều chỉnh.

Từ góc độ kinh tế tới góc độ pháp lý thì hành vi “đầu cơ tên miền” được điều chỉnh bởi pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN của Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tháo gỡ một số vướng mắc trong xử lý tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.

Theo quy định của thông tư này, hành vi đăng ký và sử dụng tên miền “.vn” vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ là “tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ (nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý) và nội dung đăng tải trên trang thông tin điện tử đi kèm theo tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ”.

Tên miền được cấp theo hai nguyên tắc: ai nộp đơn đăng ký tên miền trước thì được cấp trước và tên miền chỉ cấp cho một chủ thể duy nhất. Sau khi có thông tư nêu trên, một người đăng ký tên miền đúng theo hai nguyên tắc này vẫn có thể bị buộc trả lại tên miền, thu hồi tên miền nếu tên miền đó trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ.

Như vậy chúng ta hiểu rằng, một số trường hợp những người cố tình lợi dụng thương hiệu của người khác để đầu cơ tên miền và bán lại với giá cao đã bị loại bỏ bởi Thông tư 14. Ví dụ: Samsung Electronics Co., Ltd Hàn Quốc đã được độc quyền nhãn nhiệu Samsung cho ngành điện thoại tại Việt Nam thì hành vi đăng ký tên miền samsungmobile.vn để bán lại cho Samsung Electronics Co., Ltd Hàn Quốc là hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, tên miền samsungmobile.vn sẽ bị thu hồi và ưu tiên cho Samsung Electronics Co., Ltd Hàn Quốc đăng ký.

Nhưng, không phải trường hợp nào lợi dụng thương hiệu của người khác xây dựng, phát triển cũng dẫn tới hậu quả như trên. Với hệ thống pháp luật thành văn luôn tồn tại những kẽ hở, bằng sự linh hoạt của mình, một số người sẽ có cách luồn lách qua kẽ hở đó nhằm đạt mục đích của mình. Và giờ đây, thay vì “đầu cơ tên miền”, người ta đã đi tới một cấp độ cao hơn đó là “đầu cơ nhãn hiệu”.

“Đầu cơ nhãn hiệu” nổi lên

Tương tự với nguyên tắc cấp tên miền, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định cụ thể tại điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:

  1. Văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho nhãn hiệu trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất.
  2. Văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho đối tượng của một đơn duy nhất.

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên còn gọi là nguyên tắc “First to File”, không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo nguyên tắc này, người viết cùng các cộng sự đã từng giải quyết một vụ việc cho một công ty của Đài Loan – Công ty Han Fang – sản xuất sản phẩm băng vệ sinh có nhãn hiệu Natural Lady. Họ đã phân phối sản phẩm này tại thị trường nhiều quốc gia trong đó có thị trường Việt Nam từ năm 2012.

Thế nhưng, Công ty H. là một công ty tại Việt Nam đã đứng ra nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Natural Lady tại Cục Sở hữu trí tuệ vào năm 2014, trong khi đó Công ty Han Fang của Đài Loan nộp đơn sau vào năm 2017. Theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, Công ty H. dù chưa sản xuất ra một sản phẩm băng vệ sinh nào vẫn trở thành chủ sở hữu của nhãn hiệu Natural Lady.

Khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhãn hiệu, chủ sở hữu có quyền “Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu” mà mình được độc quyền. Theo đó, vì Han Fang không đồng ý mua lại nhãn hiệu Natural Lady với giá chào bán là 3 tỉ đồng nên Công ty H. đã gửi công văn đến các siêu thị tại Việt Nam để yêu cầu các siêu thị gỡ bỏ, không bán và lưu thông hàng hóa mang nhãn hiệu Natural Lady của Công ty Han Fang.

Công ty H. cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa mang nhãn hiệu Natural Lady như xử phạt vi phạm hành chính, tiêu hủy hàng hóa, thu hồi tên miền…

Với nguyên tắc này, nhiều người đã tiến hành nộp đơn bảo hộ độc quyền nhãn hiệu của các thương hiệu ở nước ngoài mà họ biết sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, những thương hiệu đã gia nhập thị trường Việt Nam nhưng chưa đăng ký, những thương hiệu của Việt Nam đã có uy tín với người dùng nhưng cũng chưa đăng ký…

Sau đó, họ có thể chào bán lại với một mức giá cao để buộc chủ thương hiệu gốc hoặc là mua lại với giá cao hoặc là không được hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Những hành vi này được xem là hành vi “đầu cơ nhãn hiệu”. Tưởng rằng “đầu cơ tên miền” đã dần tắt, thì nay “đầu cơ nhãn hiệu” lại nổi lên.

Tất nhiên, hành vi này không chỉ có ở Việt Nam mà có mặt ở các quốc gia theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên “First to File”. Pháp luật cũng có một số quy định để hạn chế hành vi này như trường hợp nhãn hiệu Natural Lady. Vào ngày 29-6-2018, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Natural Lady, hình” vì Công ty H. có hành vi không trung thực, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ hàng hóa và ảnh hưởng tới uy tín của Công ty Han Fang.

Kết luận này dựa vào quy định tại khoản 2 điều 87 và khoản 3 điều 97 Luật Sở hữu trí tuệ mà cụ thể vì Công ty H. là nhà nhập khẩu, đại lý phân phối sản phẩm Natural Lady do Công ty Han Fang sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nên việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu của Công ty H. là hành vi không trung thực, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Tuy nhiên, nếu một cá nhân hoặc tổ chức khác không kinh doanh mua bán, phân phối sản phẩm Natural Lady do Công ty Han Fang sản xuất thì không thể dựa vào quy định trên để hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Ngoài ra, nếu chiếu theo quy định điểm d khoản 1 điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ, một người đầu cơ nhãn hiệu nếu không đưa nhãn hiệu vào sử dụng trên thực tế trong vòng năm năm liên tục thì hoàn toàn có khả năng bị yêu cầu chấm dứt bởi người có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu đó. Tuy nhiên, thời gian năm năm là một khoảng thời gian quá dài cho việc chờ đợi của người thực sự đang sản xuất kinh doanh nhãn hiệu này. Có lẽ, một khoản chi phí hợp lý để mua lại nhãn hiệu sẽ là lựa chọn ưu tiên của họ.

Vì vậy, để hạn chế các hoạt động đầu cơ nhãn hiệu thì phương án đơn giản và tiết kiệm chi phí nhất thời điểm hiện tại cho doanh nghiệp đó là đăng ký ngay những nhãn hiệu mình chuẩn bị đưa vào sản xuất và tung ra thị trường.

Ngoài nguyên tắc “First to File”, hãy lưu ý nguyên tắc lãnh thổ: “Đăng ký tại quốc gia và vùng lãnh thổ nào thì được bảo hộ tại quốc gia, vùng lãnh thổ đó”. Chẳng hạn, nếu sản phẩm tại Việt Nam muốn gia nhập thị trường Trung Quốc, hãy nộp đơn đăng ký bảo hộ ngay tại thị trường này trước khi hàng hóa lưu thông.

(*) Công ty Luật Apolat Legal

Chuyên mục
Tin tức

Tiếp cận và quản lý tài sản trí tuệ sao cho hiệu quả

Tài sản trí tuệ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) phát triển, qua đó thúc đẩy nội lực nền kinh tế. Nhưng để khai thác được lợi thế này cần phải hiểu, có cách tiếp cận đúng và quản trị thông minh.

 

Tài sản trí tuệ là những sản phẩm của hoạt động trí tuệ, là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Khác với những tài nguyên khác như lao động, vốn, tiền, đất đai…, tài sản trí tuệ là nguồn tài nguyên không giới hạn mà mỗi DN đều có thể tạo ra. Sự tăng trưởng của tài sản trí tuệ là kết quả của hoạt động sáng tạo không ngừng nghỉ của con người.

Các chuyên gia thương hiệu cho rằng, chúng ta đang sống trong môi trường của những tài sản trí tuệ, tài sản vô hình. Những sản phẩm càng có nhiều tài sản trí tuệ càng có giá bán cao. Chẳng hạn như các sản phẩm của Apple, chúng ta phải trả thêm tiền cho bằng sáng chế công nghệ, bản quyền phát minh, thương hiệu…

Hiện nay, sự tăng trưởng, sự phát triển, sự bền vững của tài sản vô hình có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tốc độ phát triển của tài sản hữu hình mà chúng ta vô tình không để ý. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với DN.

Chia sẻ tại diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo (IIBF) do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Trần Việt Thanh cho rằng, để kinh doanh tài sản trí tuệ có hiệu quả, trước hết DN cần có những hiểu biết nhất định về loại tài sản này. DN cần phải coi trọng tài sản trí tuệ và có chiến lược kinh doanh, quản trị thích hợp với tài sản trí tuệ.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, tài sản trí tuệ càng được đặc biệt coi trọng vì đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của mỗi DN và cả nền kinh tế.

Nhưng làm sao để khai thác được hết lợi thế tài sản trí tuệ mang lại? Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, bên cạnh việc đầu tư vào nguồn lực con người, DN cần phải xây dựng và thực hiện chiến lược quản trị tài sản trí tuệ thông minh. Điều này sẽ giúp DN giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ, đồng thời phát triển những quan hệ đối tác cũng như khối tài sản trí tuệ nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh.

Thông qua hoạt động kinh doanh tài sản trí tuệ, DN không chỉ thu hồi vốn chi phí đầu tư để tạo dựng và phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ mà còn làm cho giá trị của tài sản trí tuệ ngày càng tăng cao. Các công cụ quản trị tài sản trí tuệ DN cần áp dụng gồm: kiểm kê, thẩm tra, định giá và tổ chức nhân lực chuyên nghiệp riêng để quản trị tài sản trí tuệ.

Nhưng kinh doanh tài sản trí tuệ chỉ thực sự phát huy nếu có một thể chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mang tính đầy đủ và hiệu quả. Để thực hiện được điều đó, hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ cần phải lập ra những nguyên tắc bảo hộ rõ ràng, có khả năng ngăn chặn cũng như phòng ngừa các hành vi cố ý xâm phạm.

Các chuyên gia cho rằng, việc gia nhập các điều ước quốc tế về tự do hóa thương mại trong hai thập kỷ gần đây, nhất là Hiệp định TPP, đã đặt Việt Nam trước sức ép của việc cải tổ hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ để vừa đáp ứng được những đòi hỏi cao của quá trình hội nhập, vừa chú trọng cân bằng lợi ích xã hội và đảm bảo quyền được phép kinh doanh tài sản trí tuệ của DN mà không bị cản trở.

Thời gian qua, để đảm bảo đủ các điều kiện và thúc đẩy hoạt động kinh doanh về tài sản trí tuệ của DN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang thực hiện chương trình hành động mang tính chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, có nhiều thách thức đặt ra cho vấn đề này. Tiêu chuẩn của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ khiến DN Việt Nam có thể rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp và bị thiệt hại nếu không thực hiện nghiêm. Hơn nữa, với thực tế hiện nay, DN Việt Nam vẫn ít có cơ hội sử dụng những cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài những yếu thế trên, theo Thứ trưởng Thanh, khả năng tài chính hạn hẹp, quy mô nhỏ và rất nhỏ của DN Việt Nam cũng là một hạn chế lớn trong vấn đề đầu tư cho tài sản trí tuệ. Không những thế, khi xảy ra tranh chấp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài thì vấn đề tư pháp rất phức tạp, chi phí thuê luật sư cao khiến không nhiều DN Việt Nam đủ sức theo đuổi.

“Với những nước đang phát triển như Việt Nam, việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao của quốc tế về sở hữu trí tuệ trước mắt có thể tạo ra những khó khăn, nhưng nếu vượt qua được những thách thức đó chúng ta sẽ thu được lợi ích rất lớn. Vì vậy, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam để vượt qua những thách thức nói trên là vấn đề DN phải chú trọng trong thời điểm này”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhận định.

Theo DNSG

Chuyên mục
Tin tức

Quản trị tài sản trí tuệ khi khởi nghiệp

Làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ ở nước ta hiện nay đã và đang tạo ra rất nhiều loại tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ (TSTT).

Làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ ở nước ta hiện nay đã và đang tạo ra rất nhiều loại tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ (TSTT). Đặc trưng của TSTT là tính vô hình, tính lãnh thổ, tính sinh lợi và tính quốc tế. Những đặc trưng này đặt ra nhiều thách thức về quản trị cho lãnh đạo doanh nghiệp (DN). Vì vậy, DN cần có một chiến lược tổng thể và dài hạn để đạt được mục đích gia tăng giá trị TSTT. 

Phở 24 là thương hiệu đình đám một thời
Phở 24 là thương hiệu đình đám một thời

 

  1. Không ngừng gia tăng nguồn vốn trí tuệ trong DN

Trong bất kỳ một tổ chức nào cũng luôn tồn tại nguồn vốn nhân lực. Mỗi nhân sự trong tổ chức đều có tri thức, trí tuệ, kỹ năng, óc sáng tạo. Khi tham gia vào quy trình tác nghiệp, vận hành của tổ chức, họ sẽ tạo ra các sản phẩm tương ứng như chương trình, tài liệu, dữ liệu, bản vẽ, quy trình…, gọi là các tri thức được hữu hình hóa.

Các sản phẩm này chính là các đơn vị sở hữu trí tuệ đầu tiên để tạo ra các tài sản sở hữu tương ứng với các đối tượng sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, bí mật kinh doanh… Lãnh đạo DN cần có cơ chế khen thưởng, khích lệ nhân sự để họ cống hiến nhiều hơn tri thức sáng tạo của mình vào nguồn vốn trí tuệ to lớn trong DN.

  1. Nhận diện các TSTT để lựa chọn bảo hộ

Từ nguồn vốn trí tuệ trong DN đó, lãnh đạo cần trải qua bước nhận diện xem đối tượng nào có vai trò quan trọng và có giá trị đối với DN ở các khía cạnh kỹ thuật, công nghiệp, thẩm mỹ và đặc biệt là khía cạnh thương mại hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, tiếp thị và đầu tư.

Từ đánh giá đó, tiến hành đăng ký bảo hộ các TSTT theo các chuẩn mực bảo hộ của đối tượng tương ứng. Ví dụ, một chương trình máy tính có thể đăng ký bản quyền tác giả, một thiết kế logo có thể bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu… Khâu nhận diện và đánh giá các TSTT là vô cùng quan trọng để quyết định tiềm lực về TSTT của mỗi DN.

  1. Bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ

Sau khi nhận diện được các TSTT của DN, lãnh đạo cần có chủ trương bảo hộ các đối tượng này thông qua các cơ chế bảo hộ của pháp luật sở hữu trí tuệ để xác lập quyền đối với các đối tượng đó. Nếu không áp dụng công cụ bảo hộ nhà nước cung cấp, các TSTT mà DN vất vả tạo ra sẽ không thể tạo thành “quyền tài sản” để khai thác thương mại.

Một lưu ý cần quan tâm trong vấn đề bảo hộ là lãnh đạo DN cần xem xét đối tượng nào nên đăng ký, đối tượng nào giữ làm bí mật kinh doanh. Chẳng hạn như các công thức ẩm thực trong lĩnh vực F&B nên được chủ sở hữu giữ làm bí mật, tránh để lộ ra bên ngoài, kể cả đối với đồng sự khi khởi nghiệp, bởi thực tế đã có trường hợp các đồng sự mang các bí quyết trong công thức pha chế đi khởi nghiệp riêng, gây thiệt hại không nhỏ cho chủ sở hữu.

  1. Luôn quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ trong mọi giao dịch

Cùng với việc bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ, doanh nhân luôn dành sự quan tâm cho vấn đề này trong mọi giao kết làm ăn với đối tác. Chẳng hạn như luôn xác định rõ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình sản xuất, kinh doanh giữa DN mình với bên thứ ba sẽ thuộc về ai.

Ví dụ, trong giao dịch nghiên cứu thị trường, thuê thiết kế, nhận chuyển giao công nghệ hay hợp đồng gia công…, doanh nhân cần phải thỏa thuận rõ ràng bằng các điều khoản với bên thứ ba trong hợp đồng về đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ cũng như trách nhiệm sẽ thuộc về ai trong trường hợp xảy ra thiệt hại liên quan đến vấn đề đó.

Hoạt động thương mại luôn gắn liền với việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ, và trong bản thân hàng hóa, dịch vụ đó luôn chứa đựng các tài sản sở hữu trí tuệ kèm theo. Do vậy, doanh nhân không nên coi nhẹ vấn đề sở hữu trí tuệ trong các giao kết của mình.

  1. Tự bảo vệ TSTT có được

Trong nền kinh tế sẻ chia tri thức, TSTT là một phần không thể tách rời của hoạt động giao thương. Đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp đột phá sáng tạo, ý tưởng và các TSTT có tính quyết định đến sự phát triển của tổ chức. Do vậy, lãnh đạo DN hơn ai hết phải tự bảo vệ các TSTT mà mình là chủ sở hữu, song song với việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của đơn vị khác.

TSTT tuy vô hình nhưng pháp luật quy định giá trị quyền tài sản giống như các tài sản hữu hình là nhà đất, xe cộ, vật dụng… Vì vậy, sự quan tâm bảo vệ của chủ sở hữu dành cho loại tài sản nêu trên nên tương xứng và ngang bằng với các tài sản hữu hình, để tạo hành lang bảo vệ tốt cho TSTT. Khi được quan tâm đầu tư nghiêm túc, TSTT sẽ tạo ra giá trị to lớn cho chủ sở hữu.

Kinh nghiệm khởi nghiệp quốc tế và cả ở Việt Nam cho thấy, nhiều tổ chức đã tiến lên vị trí dẫn đầu chỉ bằng việc đầu tư phát triển các TSTT và ứng dụng nó trong kinh doanh. Vì vậy, đã đến lúc doanh nhân và nhà lãnh đạo DN cần dành thời gian quản trị tài sản sở hữu trí tuệ của DN mình một cách bài bản ngay từ những ngày đầu lập nghiệp.

Nguồn :

doanhnhansaigon.vn

https://doanhnhansaigon.vn/khoi-nghiep/quan-tri-tai-san-tri-tue-khi-khoi-nghiep-1076231.html

Chuyên mục
Tin tức

Quản trị tài sản trí tuệ quyết định sự phát triển của doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) – Vấn đề quản trị tài sản trí tuệ, sở hữu trí tuệ (SHTT) được các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi sôi nổi trong khuôn khổ hội nghị quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu, ứng dụng do Sở KH&CN Hà Tĩnh và Cục SHTT tổ chức sáng nay (22/5).

Quản trị tài sản trí tuệ quyết định sự phát triển của doanh nghiệp
Quản trị tài sản trí tuệ quyết định sự phát triển của doanh nghiệp

 

Tại hội nghị, các đại biểu được đại diện Cục SHTT chia sẻ những nội dung, kiến thức cơ bản về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp; kinh nghiệm phát triển sản phẩm, tài sản trí tuệ ở nước ngoài; vai trò của sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý…; hướng dẫn một số tình huống và vận dụng kinh nghiệm trong thực tế.

Hội nghị nhằm truyền đạt thông tin, kiến thức về quản trị tài sản trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp.

TS Nguyễn Hoàng Hạnh - đại diện Cục SHTT trao đổi các kiến thức cơ bản về quản trị tài sản trí tuệ.
TS Nguyễn Hoàng Hạnh – đại diện Cục SHTT trao đổi các kiến thức cơ bản về quản trị tài sản trí tuệ.

 

Tại Hà Tĩnh, những năm gần đây, với vai trò định hướng, quản lý của ngành KH&CN, nhiều tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và doanh nghiệp đã nhận thức và mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, điển hình như Công ty CP Dược Hà Tĩnh, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Viết Hải… Song, nhìn chung, hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức với tốc độ và yêu cầu hội nhập, phát triển KT-XH. Hoạt động đăng ký bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ còn ít, hoạt động khai thác các giá trị của sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm. Các thương hiệu sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh chưa được xây dựng và phát triển, một số thương hiệu, ngành hàng truyền thống đang ngày càng mai một.

Nguồn :

Dương Chiến

https://baohatinh.vn/khoa-hoc/quan-tri-tai-san-tri-tue-quyet-dinh-su-phat-trien-cua-doanh-nghiep/155048.htm

Chuyên mục
Tin tức

Quản trị Tài sản trí tuệ: Doanh nghiệp, viện trường còn gặp nhiều vướng mắc

Việc phát triển các tài sản trí tuệ trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược trong việc nâng cao giá trị của các doanh nghiệp, viện trường ở Việt Nam nhưng các doanh nghiệp, viện trường đang gặp không ít vướng mắc trong việc tạo dựng, bảo hộ và thương mại hóa loại tài sản đặc biệt này.

Tài sản trí tuệ (TSTT) – vốn được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ (ở Việt Nam bao gồm quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…) có vai trò rất quan trọng vào sự phát triển của các doanh nghiệp. Theo khảo sát của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI), cứ 1 đơn vị TSTT gia tăng sẽ làm cho hiệu quả kinh doanh tăng lên gấp 10 lần. Bên cạnh việc kích thích tăng trưởng kinh tế, việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần khuyến khích đổi mới sáng tạo (ĐMST) và tạo môi trường cạnh tranh, công ăn việc làm cho xã hội. Trong bối cảnh tự động hóa, trao đổi dữ liệu dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, việc phát triển các TSTT trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược trong việc nâng cao giá trị của các doanh nghiệp, viện, trường ở Việt Nam.

Vinatex là một trong những đơn vị đang cần phát triển hệ thống quản trị tài sản trí tuệ.
Vinatex là một trong những đơn vị đang cần phát triển hệ thống quản trị tài sản trí tuệ.

 

Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy, nhưng đóng góp của các ngành công nghiệp có sử dụng sáng chế và thâm dụng tài sải trí tuệ được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Và các doanh nghiệp, viện trường đang gặp không ít khó khăn trong việc tạo dựng, bảo hộ và thương mại hóa loại tài sản đặc biệt này.

Số liệu năm 2010 chỉ ra 32 ngành công nghiệp có sử dụng sáng chế đóng góp 23,79% vào GDP cả nước và tạo ra khoảng 6,4 triệu việc làm, trong đó các ngành thâm dụng TSTT chỉ đóng góp khoảng 4,42% – con số này thực sự rất khiêm tốn so với những nước phát triển ở EU có các ngành thâm dụng TSTT đóng góp 39% tổng GDP, theo báo cáo của Văn phòng Sáng chế châu Âu EPO. Thậm chí, “chúng ta cũng cần thận trọng với những kết quả của Việt Nam nói trên bởi phần lớn công nghệ đang sử dụng là của nước ngoài trong khi thực lực đóng góp của người Việt là rất ít hoặc không đóng góp” – TS Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện VIPRI, nhận xét trong hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cơ sở nghiên cứu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Cục Sở hữu trí tuệ và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc (HBI) tổ chức ngày 7/12.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chưa sở hữu nhiều sáng chế. Theo số liệu cơ cấu TSTT của doanh nghiệp từ 2011-2015 của VIPRI, các sáng chế chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ – khoảng 1.19% trong khi kiểu dáng công nghiệp chiếm 17.61% và nhãn hiệu chiếm đến 81.2%. Đây là một điểm bất lợi bởi công nghệ là nền tảng chính của cuộc CMCN4, những sáng chế dựa trên công nghệ cần phải là nhân tố chủ đạo trong việc tạo lập giá trị nội lực của doanh nghiệp, viện, trường chứ không thể phụ thuộc quá nhiều vào các TSTT mang tính thương mại như nhãn hiệu, kiểu dáng.

Hệ số mức độ sử dụng sáng chế trung bình trong nước trong giai đoạn 2009 – 2013 chỉ ở mức 3,07. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là xương sống được ưu tiên phát triển của đất nước thì hệ số mức độ sử dụng sáng chế đang ở mức thấp hơn trung bình, tức là những ngành công nghiệp đó ít sử dụng sáng chế và dường như sự phát triển chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh bậc thấp như lao động giản đơn, vốn vay, tài nguyên…Có thể kể đến hàng loạt ngành công nghiệp như vậy: sản xuất phụ tùng ô tô, cấu kiện cơ khí, thép chế tạo, linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật, chế biến nông – thủy hải sản, gỗ. Việc sử dụng ít sáng chế trong những ngành công nghiệp này cũng đồng nghĩa với việc chưa phát huy được các lợi thế so sánh bậc cao như công nghệ hiện đại, lao động chất lượng cao, quản trị hiệu quả…

Thêm vào đó, quản trị quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là việc tạo lập và bảo vệ các sáng tạo mà doanh nghiệp còn phải tìm ra cơ hội tốt nhất trên thị trường để khai thác các kết quả đó. Sở hữu trí tuệ có thể dẫn đến lợi nhuận từ việc tăng giá trị sản phẩm, phí bản quyền, cho thuê, nhượng quyền, bán, tham gia cổ phần và những hoạt động đầu tư sinh lợi khác. Khó khăn mà các doanh nghiệp, viện, trường Việt Nam đang vấp phải không chỉ ở việc có ít các TSTT như đã phân tích, mà còn ở chỗ chưa coi trọng khai thác giá trị thương mại của TSTT đó.

Theo các ý kiến nhận xét tại Hội thảo, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa hiện chưa coi TSTT là tài sản quan trọng trong hệ thống kế toán và định giá doanh nghiệp, đồng thời cũng không đưa nó vào chiến lược kinh doanh một cách cụ thể, khiến tỷ trọng lợi nhuận từ TSTT trong tổng doanh thu không cao. Có một số doanh nghiệp, viện trường lớn đang “cho không” các đối tác và công ty thành viên sử dụng miễn phí các TSTT của họ như logo thương hiệu, tài liệu quảng cáo, thậm chí là cả kết quả nghiên cứu, do họ không có cơ chế định giá và thỏa thuận thương mại cho các tài sản vô hình này.

Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) là một ví dụ điển hình phải đối mặt với những khó khăn của việc quản lý TSTT. Được cổ phần hóa từ năm 2015, hiện nay Vinatex có khoảng gần 120 công ty con, công ty liên kết và các đơn vị nghiên cứu đào tạo; chuyên về lĩnh vực dệt may-thời trang. ThS. Nguyễn Thanh Ngân, Ban Kỹ thuật Đầu tư Vinatex, cho biết một số công ty thành viên của Vinatex đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ từ rất sớm như công ty May 10 (1992), các đơn vị chủ yếu đăng ký nhãn hiệu tại thị trường trong nước và có 1 số ít đăng ký bảo hộ tại nước ngoài như Phong Phú, Việt Tiến, May 10…

Tuy nhiên, về tổng thể, các đơn đăng ký vẫn chủ yếu tập trung vào logo của đơn vị và sản phẩm may mặc; trong khi chưa quan tâm nhiều đến đăng ký nhãn hiệu của sợi và vải, và cũng chưa có đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (hoa văn, thiết kế) hay sáng chế (chất liệu, quy trình sản xuất). Bà Ngân nhận xét, các công ty may mặc dường như “quên mất” vấn đề sở hữu trí tuệ, bản thân Vinatex cũng nhận thấy mặc dù thuộc “Top 50 Thương hiệu hàng đầu Việt Nam về Tài sản vô hình và Giá trị thương hiệu” do Brand Finance thực hiện năm 2017, nhưng họ chưa định giá được giá trị thương hiệu của mình (không có số liệu) như các tập đoàn Viettel, Vinamilk hay Việt Tiến. Bên cạnh đó, Vinatex cũng chưa sử dụng các phương thức khai thác quyền SHTT như nhượng quyền, cho thuê,… khiến tập đoàn bị bỏ phí “một lượng không nhỏ doanh thu”.

Ngược lại, không ít doanh nghiệp Việt Nam tạo lập được TSTT có giá trị lớn lại phải đối mặt với xu hướng dịch chuyển tài sản – mà chủ yếu là nhãn hiệu – cho các tập đoàn nước ngoài. Điều này mặc dù đem lại lợi ích tài chính nhưng doanh nghiệp phải chịu rủi ro về việc mất thị trường, suy giảm giá trị TSTT và lệ thuộc vào bên mua. Theo thống kê, phần lớn các lĩnh vực có nhiều giao dịch chuyển nhượng đều là những ngành thiết yếu như thuốc, hóa chất, mỹ phẩm dược liệu, lương thực, thực phẩm, thiết bị điện… trong đó đối tượng bên mua thường là các tập đoàn lớn từ châu Á và châu Âu.

Song song với doanh nghiệp, viện, trường cũng là những đơn vị có tiềm năng tạo ra và sử dụng các TSTT nhưng chính các viện, trường lại bị vướng mắc ở chỗ mặc dù có kết quả nghiên cứu rất có giá trị, họ hầu như không có bộ phận chuyên trách để đăng ký bảo hộ, tư vấn hướng dẫn bảo đảm quyền lợi cho những người nghiên cứu và quản trị các TSTT đó, dẫn đến việc chuyển giao công nghệ từ viện, trường gặp không ít khó khăn. Đại học Y dược TP.HCM là một trong những cơ sở hàng đầu về nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật điều trị bệnh và điều chế thuốc. Theo trao đổi tại hội thảo, đại diện trường cho biết đang trong bước đầu xây dựng bộ phận chuyển giao công nghệ nhưng gặp khó khăn trong việc định hướng, xác lập những đối tượng để đăng ký bảo hộ và cân nhắc liệu có cần phải sử dụng một đơn vị tư vấn bên ngoài không bởi liên quan đến tính bảo mật của công nghệ và những đòi hỏi hiểu biết về chuyên môn y dược.

Theo số liệu cơ cấu TSTT của doanh nghiệp từ 2011-2015 của VIPRI, các sáng chế chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ khoảng 1.19% trong khi kiểu dáng công nghiệp chiếm 17.61% và nhãn hiệu chiếm đến 81.2%.

Ngô Hà

Nguồn:

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM

https://dost.hochiminhcity.gov.vn/tin-tuc-khcn/quan-tri-tai-san-tri-tue-doanh-nghiep-vien-truong-con-gap-nhieu-vuong-mac/

Chuyên mục
Tin tức

Quản trị tài sản trí tuệ: Chức năng không thể thiếu của doanh nghiệp

(DĐDN) – Cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp là rất quan trọng để tạo một môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển giao áp dụng và nhân rộng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống.

Trong giai đoạn tham gia ngày càng sâu vào các Hiệp định thương mại tự do (TPP, AEC…), quản trị tài sản trí tuệ đã trở thành một chức năng không thể thiếu của một doanh nghiệp. Công tác quản trị tài sản trí tuệ bao gồm ba bộ phận thiết yếu là: phải có nhân sự chuyên môn về IAM; DN phải có thể tự soạn thảo và ban hành được nội quy IAM phù hợp với từng giai đoạn phát triển khác nhau của chính đơn vị, và phải cụ thể hóa nội quy quản trị thành các quy trình, thủ tục tác nghiệp.

Là một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các loại thiết bị y tế, dược phẩm cổ truyền và thực phẩm chức năng, Công ty Vĩ Long đã phối hợp với trên 20 tổ chức và nhóm nhà khoa học khác nhau để nghiên cứu và phát triển, với hàng chục dòng sản phẩm đã được tiếp thị thành công. Nhờ lấy R&D làm khâu dẫn động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong 3 năm 2013, 2014, 2015, trong khi doanh thu của Công ty tăng trưởng tuần tự là 30%, 60% và 80% thì lợi nhuận lại tăng trưởng cao hơn với các mức tương ứng là 100%, 90% và 100%. Đơn cử như quá trình hình thành mạng giá trị của Nhãn hiệu dầu xoa An Phúc Bình đang là một mặt hàng chủ lực của Công ty, bắt đầu từ bước tạo dựng mức độ nhận biết rộng rãi cho Nhãn hiệu, đến việc hợp tác với các nhà khoa học để cải tiến và tái định vị nhãn hiệu, khảo sát khách hàng để ghi nhận các ấn tượng liên kết với Nhãn hiệu và chất lượng cảm thụ của Nhãn hiệu. Từ đó, Nhãn hiệu đã được phân phối rộng khắp trong toàn quốc , nhờ sự chủ động tiếp thị và tích cực đóng góp giá trị gia tăng cho Nhãn hiệu của hệ thống đại lý.

Hiện nay công tác sáng kiến cải tiến tại Công ty bắt đầu từ việc hàng năm định hướng các vấn đề trọng tâm và phát động đưa ra các ý tưởng đổi mới, chọn lọc các giải pháp thiết thực nhất để hỗ trợ các tác giả hoàn thiện ý tưởng, tổ chức áp dụng và treo bảng công bố tại từng địa điểm áp dụng, nếu có hiệu quả thì các tác giả và đồng tác giả thuyết trình trước Công ty, các sáng kiến được đánh giá thông qua giá trị làm lợi để được trả trả thù lao hoặc tiền thưởng cho sáng kiến cải tiến. Cách làm đó vừa góp phần nâng cao trình độ của công nhân, tính minh mạch của môi trường quản trị và cả văn hóa kinh doanh của Công ty. Bên cạnh việc biến hoạt động sáng kiến thành một nguồn lực chủ yếu để phát triển các tài sản trí tuệ, Công ty cũng đã tuần tự áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến như KAIZEN, ISO, 5S, LEAN, TPM, BSC và tự phát triển phần mềm ERP tích hợp tất cả các chu trình quản trị, kể cả quản trị tài sản trí tuệ.

Phan Thị Châu

Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban Quản trị Tài sản Trí tuệ

Cty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vĩ Long

Thu Hiền Doãn

https://enternews.vn/quan-tri-tai-san-tri-tue-chuc-nang-khong-the-thieu-cua-doanh-nghiep-94693.html

thiết kế website thiết kế phần mềm tư vấn online marketing cung cấp đèn trần led cung cấp đèn tuýt led đèn led nội thất thiết kế website giá rẻ thiết kế website giá rẻ thiết kế banner giá rẻ thiết kế logo giá rẻ dịch vụ seo website giá rẻ tư vấn sở hữu trí tuệ đăng ký nhãn hiệu đăng ký quyền tác giả đăng ký sáng chế đăng ký kiểu dáng công nghiệp thiết lập hệ thống quản trị tài sản trí tuệ